Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.393 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng giảm trung bình 8 đồng/kg, ở mức 7.733 đồng/kg; giá cao nhất là 7.950 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo có sự tăng/giảm tùy loại. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá cao nhất 11.350 đồng/kg, giá bình quân 11.179 đồng/kg, tăng 36 đồng/kg. Trong khi đó, gạo 15% tấm có giá cao nhất 11.150 đồng/kg, giá bình quân 10.958 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.950 đồng/kg, giá bình quân 10.717 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 giảm 88 đồng/kg, giá trung bình là 11.263 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài thơm 8 vẫn ổn định ở mức 8.000 đồng/kg, nhưng một số lại có sự giảm giá 100 đồng/kg như OM 5451 còn 7.800 đồng/kg, RVT còn 8.200 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa đi ngang ở hầu hết các loại như: IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang không có sự thay đổi nhiều như: IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; OC10 ở mức 6.800 đồng/kg; Jasmine là 7.200 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang lại có sự tăng nhẹ, như: IR 50404 là 7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng OM 18 ổn định 7.800 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa duy trì ổn đinh. Giá lúa OM 18 là 6.700 – 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.300 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 – 6.400 đồng/kg.
Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.000 – 8.400 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.400 – 8.800 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 490 – 495 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho biết họ đang đẩy mạnh thu mua gạo từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu trong năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại “vựa lúa” Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023 trong tuần này do nguồn cung khan hiếm và động thái tăng giá lúa do chính phủ quy định, trong khi giá gạo Thái Lan giảm do nhu cầu yếu.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 388-395 USD/tấn, tăng so với mức từ 375 – 380 USD/tấn trong tuần trước. Ngày 7/6, Ấn Độ đã tăng giá thu mua lúa vụ mới từ nông dân thêm 7% lên 2.183 rupee/100 kg.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết giá lúa đã tăng tại thị trường nội địa trong một tháng qua, điều này sẽ đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao.
Dữ liệu từ Bộ Lương thực Bangladesh cho thấy nước này đã nhập khẩu 634.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong 11 tháng đầu năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 6/2023.
Bộ trưởng Lương thực Sadhan Chandra Majumder cho biết Bangladesh, quốc gia thường phải nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai, không cần nhập khẩu gạo trong năm tài chính tới do sản lượng trong nước ở mức cao.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 490 – 495 USD/tấn, giảm nhẹ so với tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu vẫn không thay đổi và nguồn cung dự kiến sẽ được bổ sung vào tháng tới trong suốt vụ thu hoạch. Một nhà giao dịch khác cho biết nhu cầu từ các nước châu Phi khá yên ắng vì giá Thái Lan cao hơn so với Ấn Độ, trong khi những lo ngại về hạn hán và xuất khẩu sang Indonesia đang làm cho giá cả tăng lên mức cao hơn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đi ngược chiều nhau trong phiên 9/6, trong đó giá ngô giảm, còn giá lúa mỳ và đậu tương tăng.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2023 giảm 6 xu (0,98%) xuống 6,0425 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 4 xu (0,64%) lên 6,3025 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 7/2023 tăng tăng 23,25 xu (1,71%) lên 13,865 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo Vụ mùa tháng Sáu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy dự trữ ngô cuối vụ 2023 – 2024 của Mỹ tăng 35 triệu bushel, dự trữ đậu tương tăng 15 triệu bushel và dự trữ lúa mỳ tăng 6 triệu bushel.
Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới của USDA đã nâng ước tính dự trữ ngô cuối niên vụ 2022 – 2023 của Mỹ thêm 35 triệu bushel lên 1,452 tỷ bushel. Dự trữ ngô thế giới cuối niên vụ 2022 – 2023 giữ ổn định ở mức 297 triệu tấn.
Báo cáo cũng nâng ước tính dự trữ đậu tương trong cùng giai đoạn lên 230 triệu bushel, còn dự trữ đậu tương thế giới vào cuối niên vụ 2022 – 2023 ở mức 101,3 triệu tấn.
Dữ liệu lúa mỳ của USDA từ trung lập đến giảm nhẹ. Dự trữ lúa mỳ của Mỹ hầu như không bị ảnh hưởng, trong khi sản lượng lúa mỳ toàn cầu tăng 10,4 triệu tấn trong bối cảnh sản lượng tăng ở Nga, Ukraine và châu Âu.
Báo cáo này dự báo dự trữ của các nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn trong năm 2023 – 2024 là 59,2 triệu tấn, so với 55,7 triệu tấn trong tháng 5/2023 và 63,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 – 2023. Dự trữ lúa mỳ cuối niên vụ 2023 – 2024 của Mỹ đã tăng lên 562 triệu bushel.
Sự chú ý của thị trường sẽ quay trở lại với tình hình thời tiết của Mỹ và thế giới. Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho rằng rủi ro sẽ tăng vào tuần tới do mưa ít hơn dự kiến.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2023 giảm 32 USD xuống 2.728 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao 9/2023 giảm 24 USD xuống 2.702 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều sụt giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 giảm 4,20 xu xuống 190,65 xu/lb và giá cà phê Arabica giao 9/2023 giảm 3,70 xu xuống 186,65 xu/lb (1lb = 0,45 kg). Khối lượng giao dịch duy trì ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 64.100 – 64.700 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn đảo chiều sụt giảm như đã dự kiến sau đợt tăng quá “nóng”. Tuy nhiên, nhu cầu hàng giao ngay và sức mua của các quỹ và đầu cơ vẫn còn khá mạnh nhờ có sự hỗ trợ của đồng bạc xanh hiện đang sụt giảm giá trị so với các tiền tệ mới nổi. Nhà đầu tư Phố Wall tiếp tục rót vốn vào các thị trường chứng khoán và hàng hóa nói chung, bất chấp đang có dấu hiệu giảm phát ở thị trường tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới buộc chính phủ phải gia tăng các biện pháp kích thích.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London đã vượt qua mức 2.800 USD/tấn, mức cao trong 15 năm, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt khi có thêm nhiều dự báo đánh giá sản lượng cà phê Conilon Robusta vụ mùa mới của Brazil hiện đang thu hoạch sẽ không đạt mức kỳ vọng. Mới nhất là báo cáo của Bộ phận FAS trực thuộc USDA đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng Conilon Robusta xuống ở mức 21,7 triệu bao, giảm 5% so với ước tính 22,8 triệu bao của vụ trước.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam đã vượt mức 65.000 đồng/kg, thiết lập mức cao kỷ lục, đã khiến các nhà rang xay không thể mua được hàng.
Bích Hồng – Minh Hằng (TTXVN)